Gần 300 bạn trẻ tham gia trồng các cây gỗ quý, cây ăn trái góp phần tăng đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Cát Tiên.
Với 4 ha rừng được trồng với các giống gỗ quý như cẩm lai, giáng hương… và một số cây ăn trái như chôm chôm rừng, xoài rừng, chà là… được Ban quản lý vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp L’Oréal Việt Nam tổ chức trồng ngày 8/7. Hoạt động này nhằm phát triển hệ sinh thái rừng tại vườn quốc gia Cát Tiên.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thìn, Phó phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế vườn quốc gia Cát Tiên, hoạt động trồng rừng góp phần làm tăng đa dạng sinh học, bảo tồn các giống cây gỗ quý hiếm và mở rộng không gian sinh hoạt, kiếm ăn của các loại thú hoang dã.
Bà Thìn cho biết, từ khi chương trình trồng rừng được triển khai, mỗi năm có nhiều tổ chức tham gia thể hiện sự chung tay của cộng đồng xã hội giúp phát triển hệ sinh thái rừng, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Sau khi rừng được trồng, Ban quản lý vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp với các đơn vị tổ chức chăm sóc định kỳ để cây phát triển nhanh.
Trần Thị Hạnh An (25 tuổi), ở TP HCM cho biết, tham gia trồng rừng giúp bản thân nhận thức việc trồng, chăm sóc một cây để nó tươi tốt là chuyện không hề dễ dàng. “Điều này giúp chúng tôi hiểu được sự quan trọng của việc bảo vệ rừng và lan tỏa thông điệp này đến cộng đồng”, An chia sẻ.
Vườn quốc gia Cát Tiên rộng khoảng 71.000 ha nằm trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, riêng tỉnh Đồng Nai diện tích khoảng 40.000 ha. Khu vực này được cho có sự đa dạng sinh học mang tầm quốc gia, quốc tế với 1.729 loài động vật được định danh, 1.655 thực vật bậc cao, trong đó có 84 động vật và 31 thực vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Từ năm 2010 đến nay vườn quốc gia Cát Tiên trồng được gần 300 ha rừng thông qua các nhiệm vụ được giao và hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.